Sự giàu có bán rẻ mỗi tháng, nhưng bạn không chịu mua.
Giàu không phải là bí mật hay cơ hội hiếm hoi. Nó bán rẻ mỗi tháng, cho ai đủ kiên nhẫn mua đều đặn. Nhưng hầu hết chúng ta lại chọn tiếc nuối, vì ngại cam kết và sợ lặp đi lặp lại điều nhỏ nhặt.
Tuần trước, mình có dịp dạy một khoá tài chính cá nhân hai ngày cho nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho một công ty bảo hiểm của Nhật. Cuối buổi học, khi mọi người bắt đầu cởi mở và chia sẻ thật lòng, một học viên chia sẻ khiến cả lớp cùng bật cười – rồi im lặng suy ngẫm sau đó.
“Mỗi lần giá vàng lên em tiếc đứt ruột. Giá mà trước đây mỗi tháng em mua nửa chỉ thì giờ giàu to! Nay học xong mới biết hoá ra cách nghĩ đó cũng là một phương pháp, mà em không biết phương pháp nên không tin không làm!”
Nghe học viên chia sẻ, mình vừa buồn cười vừa mừng. Vì đó chính là khoảnh khắc “bừng” ra chân lý mà rất nhiều người Việt Nam đã từng nghĩ, từng tiếc, từng mơ – nhưng rất ít người thực sự kiên định làm được: đầu tư định kỳ (SIP).
Thật ra, chuyện này không lạ. Hầu hết chúng ta đều không thiếu thông tin. Ai cũng từng nghe: “Mua đều mỗi tháng sẽ tốt.”
Nhưng rồi sao? Chúng ta vẫn không làm. Hoặc bắt đầu rồi bỏ dở.
Lý do không phải vì ta ngu dốt hay thiếu hiểu biết. Mà vì có những rào cản âm thầm.
Nhiều người nghĩ phải dư dả mới đầu tư được. Có người sợ cam kết dài hạn, ngại mỗi tháng lại phải “rút ruột” gửi đi. Có người nản vì theo dõi giá suốt mà sợ mua phải lúc cao. Và rất nhiều người, dù có ý định rất nghiêm túc, lại bị công việc, cuộc sống, gia đình cuốn đi – đến mức quên mất lời hứa với chính mình.
Nói dễ nghe thì “chưa ưu tiên”, nhưng sự thật là chúng ta đặt hết hy vọng vào ý chí, nhưng ý chí thường thua cuộc khi mệt mỏi, khi con bệnh, khi công ty quá nhiều deadline, khi giá vàng tăng vọt làm mình lưỡng lự.
Và quan trọng là, vì không biết logic đằng sau cách làm, nên không phải ai cũng hiểu, thị trường có thể lúc lên lúc xuống nhưng về dài hạn thường đi lên. Không phải ai cũng đủ kiến thức và niềm tin rằng đầu tư đều đặn sẽ thắng lãi suất ngân hàng.
Rõ ràng, giải pháp không hề phức tạp. Nó đơn giản đến mức nhiều người coi thường.
Đầu tư định kỳ không cần bạn thông minh hơn thị trường. Nó chỉ cần bạn kiên định hơn chính mình.
Bạn không cần vốn lớn ngay. Chỉ cần chọn một con số đủ nhỏ để không thấy tiếc – 500 nghìn, 1 triệu cũng được. Chọn ngày cố định trong tháng. Thiết lập chuyển khoản tự động, hoặc ít nhất đặt lịch nhắc để không quên. Và quan trọng nhất: đừng theo dõi giá hàng ngày để rồi sợ hãi, dao động.
Mỗi tháng mua một chỉ vàng, vài chứng chỉ quỹ, một ít cổ phiếu. Nhỏ nhưng đều. Không hào nhoáng, không “chơi lớn”. Nhưng đó là kỷ luật được đóng gói sẵn – thứ mà ý chí đơn thuần rất khó duy trì.
Và nếu bạn đang đi làm văn phòng, có thu nhập ổn định nhưng lịch làm việc dày đặc, tâm trí phải chia cho công việc, gia đình, học hành và hàng trăm trách nhiệm khác, thì ý tưởng “canh đỉnh bắt đáy” hay “lướt sóng” thật sự gần như không thực tế.
Đó chỉ là con đường mệt mỏi, dễ mất kỷ luật và dễ đánh đổi sự bình an.
Trong khi đó, đầu tư định kỳ (SIP) đặc biệt phù hợp với những người như bạn – cho phép bạn thiết lập một kế hoạch đều đặn, tự động trích một phần thu nhập mỗi tháng để nuôi dưỡng mục tiêu dài hạn mà không cần căng thẳng theo dõi bảng giá mỗi giờ, mỗi ngày. Bạn không cần trở thành chuyên gia phân tích thị trường. Bạn chỉ cần trở thành người kiên nhẫn, kỷ luật và trung thực với mục tiêu của mình.
Với những ai đang đi làm và có dòng tiền đều, đây chính là công cụ để biến lợi thế thu nhập ổn định thành một hệ thống tích sản vững chắc, tự động, âm thầm nhưng mạnh mẽ – để mua lấy tự do trong tương lai.
SIP nghe thì đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, bởi vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỷ luật và một lý do đủ mạnh để cam kết. Nhiều người bỏ dở giữa chừng không phải vì không có tiền, mà vì không có mục tiêu rõ ràng. Họ ngại bắt đầu từ số tiền nhỏ, sợ dòng tiền bị “khóa”, thiếu kiên nhẫn khi thị trường biến động, hoặc bị cuốn theo những lời mời gọi làm giàu nhanh.
Vì vậy, nếu muốn xây dựng một kế hoạch SIP hiệu quả, bạn cần thiết kế nó thật sự phù hợp với chính cuộc sống và công việc bận rộn của mình.
SIP không phải mẹo vặt, không phải chiêu thức giàu nhanh. Nó là một cơ chế, như đòn bẩy giúp bạn dùng thời gian và kỷ luật để di chuyển những ước mơ tưởng chừng quá lớn.
Khoảnh khắc chị học viên nói câu “giá mà mỗi tháng em mua nửa chỉ” làm mình nhớ đến rất nhiều người Việt. Từ xưa, chúng ta vốn có tư duy “tích tiểu thành đại” rất tự nhiên. Người già giữ lúa giống, mua vàng phòng thân. Nhưng khi bước sang chứng khoán, quỹ mở, tài sản số nhiều người lại chùn tay vì thiếu một kế hoạch đơn giản và nhất quán.
Chúng ta ngại vì không hiểu sâu. Chúng ta nản vì không thấy kết quả ngay. Nhưng nếu cứ đợi đến khi rảnh rỗi, dư dả, chắc chắn – thì thật lòng mà nói, sẽ không bao giờ bắt đầu.
Sự thật cuối cùng vẫn là: Không cần đợi có nhiều tiền mới đầu tư.
Ngược lại, đầu tư đều đặn nhỏ mới làm bạn có nhiều tiền.
Điều quan trọng không phải là dự đoán giá. Điều quan trọng là bạn đừng bỏ cuộc.
Nếu bạn đã đọc tới đây, hãy tự hỏi:
Số tiền nhỏ nhất mà bạn sẵn sàng cam kết mỗi tháng là bao nhiêu?
Bạn sẽ chọn tích luỹ vào đâu? Vàng, quỹ mở, cổ phiếu?
Bạn có thể hẹn lịch nhắc nhở, hoặc thiết lập tự động ngay tuần này không?
Bạn không cần làm to tát để mong thắng quả ngay, hãy quy hoạch việc tích luỹ định kỳ đủ nhỏ để bạn bắt đầu ngay, và đủ đều để trở thành một thói quen lâu dài.
Lần sau khi giá vàng lên hay thị trường “nổi sóng”, bạn sẽ không còn tiếc nuối nhìn theo. Thay vào đó, bạn có thể mỉm cười, nhẹ nhàng nhưng tự hào, mà nói:
“Tháng nào tôi cũng mua.”
Đừng đợi mọi thứ rõ ràng mới bắt đầu. Hãy bắt đầu đi, rồi mọi thứ sẽ dần trở nên rõ ràng hơn.
Nội dung về SIP cũng được chia sẻ kỹ trong trong cuốn sách BÌNH AN TÀI CHÍNH mà mình đang hoàn thiện. Cuốn sách dành cho người Việt muốn xây tự do tài chính thật sự, không viển vông, từ những bước nhỏ, để thực sự làm chủ cảm xúc và các quyết định về tiền.
👉 Nếu bạn muốn nhận thông tin sớm nhất và pre-order về cuốn sách, hãy nhấn nút Subscribe hoặc đăng ký theo thông tin tại link này: [Link Pre-order sách Bình An Tài Chính]